Đọc sách cùng bạn: Một cuốn sách nhớ nhà văn Lê Lựu - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Đọc sách cùng bạn: Một cuốn sách nhớ nhà văn Lê Lựu

Đọc sách cùng bạn: Một cuốn sách nhớ nhà văn Lê Lựu - Ảnh 1.

Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu văn chương và số phận" của nhiều tác giả. (Ảnh: ST)

Đây là cuốn sách viết về nhà văn Lê Lựu như tên sách đã nói rõ. Nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022) là nhà văn quân đội, thuộc thế hệ những người cầm bút thời chống Mỹ. Ông đã hành quân trong đội ngũ các nhà văn viết những tác phẩm về người lính ra trận, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng như "Mở rừng", "Người cầm súng", "Phía mặt trời"… Nhưng phải đến tiểu thuyết "Thời xa vắng" xuất bản ngay khi công cuộc đổi mới đất nước diễn ra thì tên tuổi Lê Lựu mới được khẳng định như một nhà văn mở đầu cho một thời kỳ văn học mới của đất nước. Ông quê ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), nhiều năm công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó chuyển ra dân sự làm Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân. Nhưng trước sau Lê Lựu vẫn là nhà văn của nông dân, của nhân dân.

NHÀ VĂN LÊ LỰU VĂN CHƯƠNG VÀ SỐ PHẬN

Nhiều tác giả

Nhà xuất bản Văn Học, 2023

Số trang: 335 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 270.000đ

Cuốn sách này tập hợp các bài viết của nhiều tác giả là đồng nghiệp, bạn bè, anh em viết về Lê Lựu từ khi ông còn sống và nhất là khi ông qua đời. Đọc sách bạn sẽ được biết về cuộc đời ông, hành trình nhà văn của ông, tính cách con người ông, từ đó sẽ hiểu thêm các tác phẩm của ông. Đặc biệt ở đây là những trang viết rất thực, rất sinh động về nhà văn của những người có thể nói là gần gũi ông nhất, hiểu ông nhất, như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chỉ một bài "Trần Đăng Khoa ngắm bác Lê Lựu" (tr. 32-62) đã đủ để ai chưa biết nhà văn cũng như thấy một ông Lê Lựu hiển hiện trước mặt mình. Hay bài "Lê Lựu như tôi biết" (308 -335) của nhà văn Phùng Văn Khai, người trực tiếp biên soạn sách này, sẽ cho người đọc biết rõ hơn nhà văn Lê Lựu trong vai ông Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân như thế nào.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật cho biết: "Cái Lê Lựu có mà Sài không có". Sài đây là Giang Minh Sài, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Thời xa vắng". Cái gì tác giả có mà nhân vật không có, theo nhà thơ của Trường Sơn? Đó là việc thuộc tác phẩm của mình. "Thuộc thơ đã đi một nhẽ, Lê Lựu thuộc từng trang tiểu thuyết anh viết ra. Thế thì Giang Minh Sài sánh sao được với Lê Lựu?" (tr. 149).

Nhà văn Trung Trung Đỉnh chơi chữ để khẳng định: "Lê Lựu không bao giờ xa vắng". Vì ông vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày như ông đã hằng sống, như cái cách ông đi chợ mà nhà văn "Ngõ lỗ thủng" rất thích khi được xem ông mặc cả mua bán.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thấy Lê Lựu là người "đi một mình trên đường" (tr. 14-17). Theo ông tiểu thuyết "Thời xa vắng" của Lê Lựu đã chạm đến được một chân lý: "Con người chỉ đáng sống và tìm được giá trị sống khi họ sống chính là họ chứ không phải sống với những thứ của người khác."

Nhà báo Yên Ba đã làm một cuộc phỏng vấn nhà văn Lê Lựu từ lâu (tr. 18-31), trong đó nhà văn đã bộc lộ thành thật, chí lý những suy nghĩ về đời, về văn, về những trăn trở của người cầm bút trước hiện thực cuộc sống. Khi được hỏi về những lý do thôi thúc ông viết "Thời xa vắng", Lê Lựu trả lời là nhận ra lâu nay mình chỉ viết về công việc chứ không viết về những thân phận con người. Mà con người trước nhất là bản thân mình. "Về nghệ thuật, mình đã nhận thức là không chỉ viết về công việc, về tình cảm, mình buộc phải viết những điều mà mình đang sống, bằng sự cảm nhận của bản thân. Cái đầu tiên mà mọi người nhận ra là mình không nói dối nữa! Mình nói thật với cuộc đời về cuộc đời đó rồi".

Tôi có một bài viết ngắn trong tập sách này, nhan đề "Nhà văn Lê Lựu, người cầm cày trên trang viết" (tr. 198-200). Sau đây là bài của tôi.

Lê Lựu cầm bút như cầm cày. Ông là người cầm cày trên trang viết. Ông cày trước hết vào cuộc sống của nhân dân mình. Thời chiến tranh ông viết trong dàn đồng ca chung của những người cầm bút cùng thế hệ để ca ngợi những người cầm súng. Nhưng ông vẫn biết cách lật xới những đường cày của mình. Tiểu thuyết "Mở rừng" là như thế. Ở đó, giữa âm hưởng anh hùng, nhà văn đã cho bật ra những nốt trầm về sự tráo trở của con người.  Ngay như ở truyện "Người về đồng cói" ca ngợi người thương binh về hậu phương vẫn giữ phẩm chất người lính trong công việc đồng quê thì những nốt trầm ấy vẫn vương và có phần nặng hơn.

Có lẽ từ những dằn vặt sớm có ấy khi nhìn vào cuộc sống bên ngoài mà Lê Lựu cũng đã sớm nhìn vào cuộc sống bên trong của mình, nhìn vào cuộc đời của chính mình. Tiểu thuyết "Thời xa vắng" của ông xuất bản năm 1986 làm giật mình và bối rối mọi người. Khi mà sự đổi mới xã hội chỉ vừa dấy lên. Khi mà mọi người chưa kịp soát xét lại mình. Khi mà mọi sự còn ngổn ngang, dang dở. Khi mà văn chương chưa kịp tìm lại mình trong sự quay về lại với con người. Khi đó Lê Lựu đã nói về một thời gọi là xa vắng nhưng thực ra vẫn đang là hiện tại. Đó là cái thời con người bị/tự đánh mất mình, chỉ sống bằng những cái ngoài mình.

Anh thanh niên nông dân có tên gọi Giang Minh Sài vào lính không phải do xung phong tự nguyện như những nhân vật văn chương khác. Anh chạy vào lính những mong trốn khỏi cuộc hôn nhân mà mình bị ép buộc. Trong khi đó tình yêu thực anh có thì anh lại cũng trốn chạy, không dám giành lấy. Đó là nửa đời đầu của Sài, sống với cái không phải của mình. Anh bị phải sống cho bố mẹ, họ hàng. Sống cho tổ chức.

Từ cuộc chiến trở về đời thường, Giang Minh Sài lại mắc vào những quan hệ rối rắm mà bản chất con người nông dân của anh không thích ứng được. Nửa đời sau anh phải gồng mình sống theo cái mình không có. Kết cục mọi sự với anh đổ sụp, hôn nhân thất bại. Từ thành phố anh chạy trốn về nông thôn, về quê mong tìm lại sự yên ổn. Đó là giải pháp nhà văn tìm cho nhân vật của mình. Thực sự là ông đẩy nhân vật vào bước đường cùng đó. Vì tác giả cũng không có lựa chọn nào khác. Ngay cả cho chính ông.

Giang Minh Sài, như thế, là một nhân vật bi kịch. Lâu rồi văn chương Việt Nam không có nhân vật hiểu như một cá nhân cụ thể có thân phận, số phận. Nhân vật như là con người này. Chủ nghĩa tập thể và tinh thần lạc quan cách mạng một thời gian dài đã chỉ ưa chuộng nhân vật tập thể mang tính chung của cộng đồng. Anh bộ đội - cô thanh niên xung phong là một mẫu hình tiêu biểu. Cả một nền văn học không gọi được tên một nhân vật nào. Đùng một cái, Giang Minh Sài xuất hiện. Đó đã là một nhân vật. Mà lại là nhân vật bi kịch, biểu thị một hiện tượng bi kịch. Và Sài từ đó trở thành tên gọi một con người, một số phận, một thời kỳ sống. Gọi cả luôn cho tác giả. Giờ nhắc tới Giang Minh Sài là người ta biết đang nói về cái gì. Một đời văn đẻ ra được một nhân vật như vậy đã có thể coi là thành công lớn. Lê Lựu và Giang Minh Sài gắn chặt nhau trong "Thời xa vắng".

Giờ đây người nông dân cầm cày trên cánh đồng chữ nghĩa đã nằm xuống ở mảnh đất quê mình. Ông đã cày xong cuộc đời mình trên trang viết. Xong ư? Không, người đọc sẽ còn thay ông cày tiếp. Vì thời xa vắng chưa hẳn đã xa. Vì dưới lòng sông vẫn còn sóng, nhiều sóng.

Tưởng nhớ nhà văn Lê Lựu tôi tạm ghép tên các tác phẩm và các nhân vật của ông thành một bài thơ.

Người cầm súng một thời lầm lỗi

Mở rừng đi về phía mặt trời

Chưa yên hàn người về đồng cói

Bỗng thấy mình thành gã dở hơi.

 

Có hai nhà ở quê ngày ấy

Tâm địa sinh sóng ở đáy sông

Phía sau anh thời xa vắng vậy

Giang Minh Sài vẫn đứng đồng không.

(Người cầm súng, Người về đồng cói, Một thời lầm lỗi, Mở rừng, Phía mặt trời, Phía sau anh, Gã dở hơi, Hai nhà, Sóng ở đáy sông, Ở quê ngày ấy, Thời xa vắng - tên tác phẩm. Giang Minh Sài, Tâm, Địa - tên nhân vật).

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 9/8/2023

No comments