Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ?

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, nữ diễn viên Rachel Zegler, người đóng vai Bạch Tuyết trong bộ phim cùng tên của Walt Disney đã khẳng định, phiên bản gốc năm 1937 là "đáng sợ" và không phù hợp với khán giả hiện đại.

"Bây giờ không phải là năm 1937 nữa. Cô ấy không cần hoàng tử cứu và cũng không mơ về một tình yêu đích thực", Rachel Zegler chia sẻ.

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ?

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ? - Ảnh 1.

Nữ diễn viên La tinh Rachel Zegler trong vai Bạch Tuyết. Ảnh: Disney.

Không sai khi Bạch Tuyết phải tự đối mặt với những khó khăn của riêng mình. Phiên bản mới của Bạch Tuyết được viết kịch bản bởi Greta Gerwig - người đã "thổi" làn gió nữ quyền vào tác phẩm ăn khách mới đây "Barbie". Bên cạnh đó, Rachel Zegler hoàn toàn đúng khi cho rằng, các bộ hoạt hình kinh điển của Disney trong thập kỷ 1930 và 1940 khiến cho việc xem ngày nay không thoải mái.

Tuy nhiên, theo Telegraph, Disney đang tái sản xuất hàng loạt các bộ phim hoạt hình kinh điển, làm nên tên tuổi của hãng. Thông thường, những dự án này chỉ đáng để đầu tư khi chúng khác xa khỏi bản gốc. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra đó là, liệu Disney có đang tự "ngáng chân", làm mờ đi di sản hoạt hình của mình?

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ? - Ảnh 2.

"Bạch Tuyết" bản gốc có những tình tiết đang dần không phù hợp trong thời nay. Ảnh: IT.

Những bộ phim làm lại từ nền tảng hoạt hình của Disney đã gây tranh cãi trong một thời gian dài. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, chúng đã mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc. Bản làm lại "The Lion King" của Jon Favreau năm 2019 đã thu về hơn 1,6 tỷ USD tại phòng vé. Bộ phim được thực hiện chủ yếu bằng CGI. Thậm chí, bản làm lại "Alice in Wonderland" của Tim Burton/Johnny Depp còn vượt qua con số một tỷ USD.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim đó đã bắt đầu dần trôi qua. Nhiều bản làm lại gần đây của hãng đã thất bại. Bản làm lại bộ phim chú voi "Dumbo" năm 2019 chỉ kiếm về số tiền đủ để bù đắp ngân sách 170 triệu USD. "Mulan" phiên bản Lưu Diệc Phi thủ vai chính cũng thất bại, thậm chí ở Trung Quốc, nơi Disney đã kỳ vọng sẽ thành công cũng có số phận hẩm hiu.

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ? - Ảnh 3.

Các bộ phim làm lại từ nền tảng hoạt hình của Disney. Ảnh: IT.

Câu chuyện tương tự với "101 chú chó đốm", hạt giống của năm 2021 chỉ kiếm được 233,5 triệu đô la. Phiên bản vừa mới làm lại "Nàng tiên cá" cần 32 ngày để thu về 500 triệu USD, trong khi "The Lion King" chỉ mất 10 ngày. "Pinocchio" năm 2022 của Robert Zemeckis, với sự tham gia của Tom Hanks nhưng vẫn bị đẩy lên kênh phát hành trực tuyến Disney+ vì quá thảm hại ở phòng vé.

Một số yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới doanh thu nằm ngoài tầm kiểm soát của Disney. Ví dụ, nhiều người phản đối việc lựa chọn của Rachel Zegler trong vai Bạch Tuyết bởi nguồn gốc La tinh - Colombia của cô. Nam diễn viên Peter Dinklage, ngôi sao của "Game of Thrones", người mắc chứng chậm phát triển xương, đã chỉ trích Disney khi làm phim trong đó "người lùn" được miêu tả là có râu rậm và sở hữu nhiều cái tên ngớ ngẩn như "Ngốc nghếch" hoặc "Buồn ngủ".

"Tôi khá ngạc nhiên khi Disney tự hào chọn một nữ diễn viên La tinh vào vai Bạch Tuyết, dù vẫn làm phim về việc bảy chú lùn sống chung trong một hang đá? Đó có phải là tiến bộ thực sự không?", Peter Dinklage khó chịu nói.

Vì sao Disney kiên trì "nhai lại" các sản phẩm cũ? - Ảnh 4.

Bộ phim "John Carter" năm 2012 thất bại thảm hại. Ảnh: Disney.

Những cảm xúc này của nam diễn viên nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Phát triển hạn chế ở Vương quốc Anh. "Chúng tôi đồng tình với Peter Dinklage. Có nhiều sự thất vọng và khó chịu đối với Disney vì việc làm lại bộ phim Bạch Tuyết", Rhonda Cutmore, một thành viên của hiệp hội, nói với The Telegraph.

"Với tôi, một phụ nữ 46 tuổi bị căn bệnh hạn chế phát triển, câu chuyện này luôn ảnh hưởng tiêu cực đến tôi. Không chỉ về những đặc điểm thể chất mà việc gán nhãn ngốc nghếch, khờ khạo cũng không thích thú gì", cô nói.

Theo Telegraph, Disney kiên trì làm lại những tác phẩm kinh điển của mình dù có bị dư luận phản đối là có lý do. Năm 2012, hãng đã chịu một trong những tổn thất lớn. Bộ phim "John Carter" dựa trên cuốn tiểu thuyết của Edgar Rice Burroughs, đã trở thành một trong những tác phẩm thất bại thảm hại nhất trong lịch sử. Phim thu về chỉ hơn 284 triệu USD trên ngân sách 306 triệu USD. Bộ phim đã khiến Disney tổn thất tới 200 triệu USD và làm giảm giá cổ phiếu của hãng đi một phần trăm. Thêm vào đó, Chủ tịch hãng khi đó là đạo diễn Rich Ross buộc phải từ chức, dù ông là một trong những người ưa thích của Giám đốc điều hành Bob Iger.

Bài học rút ra cho các nhà lãnh đạo rất rõ ràng, ý tưởng mới, sáng tạo là nguy hiểm. Quyết tâm không bao giờ mạo hiểm lại bất kỳ điều gì nữa, bước tiếp theo của Disney là mua lại thương hiệu Star Wars thông qua việc tiếp quản Lucasfilm. Một thỏa thuận được ký, kích hoạt và triển khai chỉ trong vài tháng sau thảm kịch John Carter. Sau đó, hãng bắt đầu sản xuất những phiên bản làm lại đắt giá của những bản "hit" quen thuộc, bắt đầu từ "Lọ Lem" năm 2015.

Từ đó, họ tiến hành dự án lớn hơn, làm lại những tác phẩm cũ ăn khách. Nhưng với "Nàng tiên cá" gần đây không thực sự ăn khách và phiên bản mới của Bạch Tuyết đã khiến người hâm mộ Disney bực tức, có lý do để tự hỏi, liệu Disney có cần phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề?

No comments