Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh

Đó là Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, đỗ năm 1484, ông là một trong "nhị thập bát tú" do Vua Lê Thánh Tông làm Chủ soái. Và Trạng nguyên Nguyễn Lượng Thái, đỗ năm 1553 thời Mạc Phúc Hải.

Làng Ngo, là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ nam sông Đuống. Nhà văn Phạm Thuận Thành cho biết: "Từ làng tôi lên tới đê phải đi qua một đoạn đồng nhưng vào đêm thanh vắng nằm trong làng vẫn nghe được tiếng thầm thì của dòng sông và tiếng lá dâu xào xạc ngoài bãi".

Làng quê đẹp và nên thơ đến thế vậy mà chàng trai Phạm Thuận Thành phải lên đường đánh giặc. Ông nhập ngũ cuối năm 1978 và kịp cùng đồng đội "chặn" giặc ở biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh). Năm 1981, anh lính ưu tú Phạm Thuận Thành được cử đi học ở Trường Sĩ quan lục quân 1. Học xong được giữ lại trường làm giáo viên nhưng không phải là giáo viên chỉ huy tham mưu như đã được học mà làm giáo viên chính trị. Trung úy Phạm Thuận Thành dạy môn Lịch sử Đảng rồi phục viên "theo yêu cầu" của gia đình. Đại úy Phạm Thuận Thành trở về làng làm ruộng và làm ruộng cho đến tận bây giờ vẫn làm ruộng cho dù nơi ông sống đã lên phường và huyện Thuận Thành giờ là một trong hai thị xã mới của tỉnh Bắc Ninh.

Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh - Ảnh 1.

Nhà văn Phạm Thuận Thành thời còn tại ngũ.

"Ấy thế mà lại thành một cây viết cừ khôi của vùng quê Kinh Bắc, thành một "nhà Hán Nôm" uy tín khắp "Xứ Quan họ" mới tài chứ". Tôi thực lòng thốt lên khi ngồi "đàm đạo" cùng ông. Nhà văn Phạm Thuận Thành cho hay: "Tôi viết văn từ khi mới học lớp 8 (đầu cấp 3). Truyện ngắn "Lão Thừng" lấy nguyên mẫu từ chính người bác họ "keo kiệt" của mình anh ạ".

***

Tôi nói vui: "Sinh ra và lớn lên ở làng quê như thế nếu không thành Văn thì là một sai lầm lớn". Nhà văn Phạm Thuận Thành cũng cười vui, ông cho biết thêm: "Làng Ngo của tôi có 2 "nghề chơi" hay và nổi lắm". Hỏi ra mới hay đó là "nghề chơi diều sáo" và "nghề nuôi và thả chim bồ câu bay".

Nghề chơi diều sáo thì đúng là "dân chơi sành điệu" rồi. Vào dịp cuối xuân hay đầu thu thì trên nền trời nhộn nhịp cánh diều chao liệng và vang dậy tiếng sáo vi vút. Người làng Ngo có quan niệm, họ cho rằng: Chơi diều sáo là để đuổi ôn dịch và nâng tầm mơ ước con trẻ bay xa. Nghe quan niệm thế đã thấy người xưa tuy làm ruộng lam lũ nhưng vô cùng thấu đáo trước sau. Nhà văn Phạm Thuận Thành kể: "Ông ngoại tôi tên là Nguyễn Đắc Thì, ông là cháu nội Thủ lĩnh Đốc Tít nổi tiếng chống Pháp của Phong trào Cần Vương, ông còn là người chơi diều sáo nổi tiếng với kỹ thuật ghép diều. Người ta thường vót nam để kết nên những cánh diều nhưng ông ngoại tôi thì dùng hẳn cây tre bánh tẻ hun qua lửa rồi uốn và dùng sợi mây chuốt minh để cột, để néo mà kết thành diều". Nghe ông kể thế tôi chỉ biết nói "thán phục" mà thôi.

Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh - Ảnh 2.

Chân dung nhà văn Phạm Thuận Thành.

Còn nghề "nuôi và thả chim bồ câu bay" thì đúng là "sang" thật. Nhà văn Phạm Thuận Thành cho biết: "Thường vào đầu hạ thì làng Ngo mở Hội thả chim bồ câu". Hôm đó, khi vừa sáng, khắp làng đã rôm rả tiếng người vui nhộn, những chiếc lồng tre xinh xinh, nan đan nhẵn bóng được những người đàn ông con trai ăn vận chỉnh tề nâng trên tay mang ra đầu làng, chỗ ấy có bãi đất rộng và thoáng gió. Sau hiệu lệnh trống giòn giã, rền vang thì cửa những chiếc lồng được mở. Những chú chim bồ câu mở đôi mắt tròn biếc, ngó nghiêng đầu, rồi bay vút lên tầng không. Chim bay thành bầy, bay thành đàn làm xôn xao cả bầu trời. Chim nào bay cao nhất, bay xa nhất là chim thắng cuộc.

***

Nhưng truyện ngắn đầu tay được đăng báo lại là "Con lật đật màu son" của ông được Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) in năm 2001. Có lẽ từ truyện ngắn rất ấn tượng này mà sau đó Tạp chí VNQĐ rất "thường xuyên" đăng truyện ngắn của Phạm Thuận Thành. Và bài báo đầu tiên nói về chuyện "Miếng thịt ngon phân từ trên xuống. Xương xẩu phân từ dưới lên", một câu chuyện thật nói vê "sự bất công bằng" trong đơn vị bộ đội được báo Quân đội nhân dân in mới "lạ" chứ. Nói rồi ông nhà văn làm ruộng cao hứng đọc "Tiểu đoàn giết một con trâu/ Bữa ăn chỉ thấy những đầu với da/ Nói ra thì bảo kêu ca/ Không nói thì lại chỉ da với đầu". Tôi nói góp: "Cũng bất công thật".

Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh - Ảnh 3.

Nhà văn Phạm Thuận Thành làm công tác truyền thông ở quê nhà.

Cũng từ truyện ngắn đầu tiên đăng báo ấy mà anh nông dân Phạm Thuận Thành bắt đầu viết văn "có tính chuyên nghiệp", nghĩa là ông nông dân này viết văn đều đều đặn hơn và cũng hay hơn. Ông thường in truyện ngắn và báo của lính, hai tờ báo là báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội là những tờ báo ông gửi in nhiều nhất.

Viết đều, viết khỏe và viết giỏi. Nhất là những đề tài lịch sử, đề tài người chiến sĩ. Cho tới nay nhà văn Phạm Thuận Thành đã xuất bản 20 đầu sách dày dặn và đáng đọc. Tôi bèn hỏi: "Ông hay viết về lịch sử và khảo cứu. Điều gì đã giúp ông làm được điều rất khó ấy bởi lịch sử cũng tức là quá khứ, mà quá khứ thì rất xa xôi mờ nhạt?". Nhà văn Phạm Thuận Thành bấy giờ mới cho hay.

Thì ra cụ Tổ của dòng họ Phạm làng Ngo là cụ Thái học sinh thời Nhà Lý Phạm Tử Thư. Cụ Phạm Tử Thư lại chính là nhân vật Phạm Tử Thư lên chơi Thiên tào trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Đây là tác phẩm văn xuôi tiêu biểu thời Trung đại của Văn học Việt Nam. Cụ Thái học sinh Phạm Tử Thư sau này được Vua Lý ban phong Tinh đại vương phúc thần ngoài biển.

Và cậu bé Phạm Văn Thành, tên chính của nhà văn Phạm Thuận Thành ngay từ nhỏ đã được bác rất thông tuệ chữ Nho của mình kèm cặp dạy dỗ. Nhưng cái chính là Phạm Thuận Thành rất yêu thích chữ Nho (chữ Hán) nên học mau thuộc và nhớ lâu. Đây chính là tiền đề cho nhà văn Phạm Thuận Thành tiếp xúc với những gia phả hay văn bản văn bia chữ Hán. Thêm nữa, cũng vì "nho nhe chữ Hán" nên hồi còn đóng quân ở Đặc khu Quảng Ninh, anh bộ đội trẻ Phạm Thuận Thành được cử đi học Tiếng Trung Quốc. Lớp học mở "tại mặt trận" và để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền địch vận hồi đó.

Một số tác phẩm của nhà văn Phạm Thuận Thành. 

Cậu học trò giỏi văn thạo toán của Trường cấp 3 Thuận Thành cứ như "một tự nhiên mặc định" mà say sưa viết truyện đề tài lịch sử và viết khảo cứu lịch sử. Ở mảng đề tài này những tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, được ghi nhận là cây bút viết chắc và là người có cảm quan tốt về lịch sử. Do đó truyện ngắn của Phạm Thuận Thành viết về đề tài lịch sử rất sâu sắc và cũng rất sinh động. Đọc truyện của ông người đọc cảm như mình đang cùng thời đại vậy.

Những truyện ngắn về đề tài lịch sử tiêu biểu của ông gồm có: Chùm 5 truyện ngắn về Nguyễn Trãi; Truyện "Siêu sinh" viết về Bà Ba cai Vàng; Truyện "Hồ Dâm Đàm" viết về Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh. Tiểu thuyết "Cổ Trai xuất đế’ viết về Mạc Đăng Dung của ông được dòng họ Mạc Việt Nam đánh giá cao và ông được tôn vinh là một trong mười bảy người "có công với dòng họ Mạc" hiện nay.

Rồi tiểu thuyết "Mài gươm sắc bút" ông viết về Danh nhân Văn hóa Nguyễn Gia Thiều được NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2009

Cũng phải kể tới những cuốn sách khảo cứu uy tín của nhà văn Phạm Thuận Thành nưa. Đó là: Truyện kể ở Đền Đô; Huyền tích chùa Bút Tháp; Kể chuyện quê hương Nhà Lý và Danh nhân, danh thắng Kinh Bắc; Riêng hai cuốn khảo cứu là: Người Kinh Bắc đối đáp giỏi và Tài hùng biện của người xưa của ông được đánh giá là: Viết về giai thoại văn hóa vào loại hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh.

Nhà văn Phạm Thuận Thành: Gã nông dân điềm tĩnh - Ảnh 5.

Tác giả và nhà văn Phạm Thuận Thành.

Nhà văn Phạm Thuận Thành đã nhận nhiều giải thưởng văn học như: Giải C về thơ (2002 – 2004) do Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao cho bài thơ "Đi đường lớn nhớ đường mòn". Giải Khuyến khích do UBTQ các HVHNT Việt Nam trao năm 2008 cho Tiểu thuyết "Cổ Trai xuất đế" và "Người quản chùa mặc triều phục". Và cũng cơ quan này đã trao Giải C, năm 2020, cho Tập truyện ngắn "Người quản chùa mặc triều phục". Còn nhiều giải thưởng khác nữa, đều là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử cả.

Tôi nói vui: "Ông không chỉ là nhà văn viết về đề tài lịch sử nữa mà thực sự là một Nhà sử học. Đúng là "người mang tên Thuận Thành" có khác. Làm nông nhưng "sống được" bằng nghề viết". Nhà văn Phạm Thuận Thành lắc đầu, ý như ông khiêm tốn không nhận "lời khen" của tôi vậy. Nhà văn Phạm Thuận Thành là Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Dĩ nhiên ông là Hội viên Hội Văn nghệ Bắc Ninh.

No comments