Hẹn hò chốn công sở lạm dụng cảnh uống bia, rượu? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Hẹn hò chốn công sở lạm dụng cảnh uống bia, rượu?

Bộ phim Hẹn hò chốn công sở tập 7 được dự đoán sẽ có số lượng người xem "khủng". Nhiều tình tiết được cho là sẽ giải tỏa "nút thắt" của cặp đôi chính, phụ hứa hẹn thu hút người xem. Mặc dù vậy, rating của tập này chỉ dừng lại ở mức 9,9%, giảm nhẹ so với tuần trước. Sự sụt giảm này có thể là do Gayo Stage của KBS, được phát sóng cùng lúc và thu về mức rating trung bình trên toàn quốc là 7,2%. Dù vậy con số 9,9% vẫn là thành tích cao nhất mà các phim lên sóng tối 21/3 ghi nhận được.

Bên cạnh đó, có những ý kiến từ truyền thông xứ Hàn Quốc cho rằng, bộ phim quá lạm dụng cảnh uống bia, rượu. Có thể thấy ngay từ tập 2, Shin Ha Ri và bạn thân Young Seo đã "say bét nhè" tới mức cảnh sát phải áp tải về tận nhà. Trong tập 6, Shin Ha Ri đi nhậu cùng với đồng nghiệp mừng cô đoạt giải thưởng của công ty. Shin Ha Ri say tới mức ngủ quên trong khu trò chơi thiếu nhi ở công viên.

Hẹn hò chốn công sở lạm dụng cảnh uống bia, rượu? - Ảnh 1.

Cặp đôi nhân vật phụ tìm đến nhau nhờ... say rượu. (Ảnh: SBS).

Không chỉ dừng ở đó, liên tục các cảnh nhân vật ngồi tâm tư bên ly bia hoặc tụ tập uống rượu vang. Thực tế, việc tiêu thụ rượu ngày càng phổ biến trên truyền hình Hàn Quốc. Khán giả xem phim bắt đầu quan tâm và các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu có thể có quá nhiều cảnh uống rượu trên màn ảnh hay không. Uống bia, rượu ngày càng nhiều trên truyền hình có thể phản ánh sự tôn trọng chủ nghĩa hiện thực ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông.

Paik's Spirit, phát hành vào tháng 10/2021 trên Netflix, có ngôi sao ẩm thực Paik Jong Won cùng các khách mời nổi tiếng trò chuyện về cuộc sống qua những bữa ăn và uống rượu. Nữ diễn viên Hàn Quốc Han Ji Min, người xuất hiện với tư cách khách mời trong tập thứ hai, sau đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng,  cô cảm thấy bớt áp lực khi uống rượu trước ống kính trong chương trình vì nền tảng mà phim được chiếu.

"Tôi sẽ "lăn tăn" nếu chương trình được phát sóng trên một trong ba đài truyền hình lớn. Nhưng vì đó là nền tảng trực tuyến (OTT hoặc dịch vụ phát trực tuyến), nên tôi cảm thấy mình thoải mái và sống thật hơn với bản thân mình", Han nói.

"Uống nhiều rượu bia gây hại cho cơ thể, nhưng bạn có thể muốn thả lỏng một chút khi uống rượu, ít nhất một lần trong đời. Không ai có một cuộc sống hoàn hảo", biên kịch của bộ phim Wi So Young nói. 

Viện nâng cao sức khỏe Hàn Quốc đã kiểm tra 219 bộ phim truyền hình được xem nhiều nhất và 438 chương trình thực tế nổi tiếng được phát sóng vào năm 2021. Mỗi tập có trung bình 2,3 cảnh liên quan đến rượu.

Hẹn hò chốn công sở lạm dụng cảnh uống bia, rượu? - Ảnh 2.

Ông chủ nhà hàng người Hàn Quốc Paik Jong Won (phải) trong loạt phim Paik’s Spirit (2021) của Netflix. Ảnh: Netflix

Kết quả cho thấy rằng, các vai diễn đóng nhân vật trong các chương trình uống rượu có ảnh hưởng đáng kể đến số lượng người xem. Trong phim có cảnh uống rượu đã được cho là làm tăng sự chấp nhận của xã hội đối với rượu và gây ra cảm giác thèm ăn hơn nữa.

Theo một cuộc khảo sát do viện thực hiện, 47% trong số 1.057 người được hỏi (từ 20 đến 64 tuổi) trả lời rằng, họ muốn uống rượu sau khi xem cảnh uống rượu trên truyền hình.

Kang Chang Bum, một quan chức tại Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc cho biết: "Những cảnh phim về việc uống rượu đang trở nên phổ biến trên các nền tảng OTT và mạng xã hội vì chúng áp đặt ít hạn chế hơn. Cảnh uống rượu có nguy cơ lãng mạn hóa hoặc khuyến khích uống nhiều rượu và thường có liên quan đến nội dung khiêu dâm hoặc bạo lực".

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất rằng, sự can thiệp của Chính phủ thông qua chính sách công là cần thiết. "Ngay bây giờ, các chính sách của Chính phủ nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực của việc uống rượu bia là tập trung vào việc thay đổi nhận thức của công chúng về việc uống rượu quá mức. Chính phủ nên can thiệp để điều chỉnh những mô tả không phù hợp về việc uống rượu trên các phương tiện truyền thông", Kang cho hay. 

No comments