Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời

Bố tôi khi ấy là sĩ quan của Quân khu 7, đóng quân tại Long Khánh, Đồng Nai. Mẹ tôi theo chồng vào đó, sinh ra tôi. Hôm ấy, ông về phép, chuẩn bị sinh nhật con gái. Đồng đội trong xóm gọi sang nhờ đào giếng. Phương pháp đào giếng thời chiến. Vứt vài quả bom xuống, thế là thành cái giếng. Bố tôi, 33 tuổi, khỏe mạnh, vào sinh ra tử không do dự, từng nhận Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng vì chiến công ôm bom phá Sân bay Xuân Lộc, cửa ngõ quan trọng nhất trước khi giải phóng Sài Gòn. Nên ông tự tin lắm, xung phong xuống giếng kiểm tra sau khi bom nổ hết. Đó cũng là lần xung phong cuối cùng. Ông mất vì ngạt khí độc, để lại người vợ trẻ 27 tuổi và đứa con thơ chưa đầy năm. Sau khi chồng qua đời, mẹ tôi dắt con về quê, một ngôi làng Bắc bộ, thuộc Hà Tây cũ.

Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời - Ảnh 1.

Ảnh mẹ hồi trẻ. Ảnh: Cẩm Loan

Bà nội tôi, không biết nghe lời đồn đại vô căn cứ từ đâu, nhất định không tin mẹ tôi, chỉ tin dư luận phong thanh, con trai bà chết do lỗi của vợ. Bà đuổi con dâu và cháu nội ra đường. Chúng tôi chỉ được vào nhà, sau khi các bô lão trong làng, trong họ đứng ra bênh vực, giúp đỡ, thuyết phục bà.

Mẹ con tôi đã trải qua những năm tháng mẹ góa, con côi cùng nhau, không phải trong tình yêu thương, thông cảm, đùm bọc của họ hàng làng xóm như người ta vẫn nghĩ, mà ngược lại hoàn toàn, trong sự phán xét, soi mói, đàm tiếu, lợi dụng và bắt nạt bất cứ khi nào có thể... Mẹ tôi, hiền lành, tử tế, chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ hai bên, luôn giúp đỡ mọi người, chưa từng nợ ai một đồng, chỉ có người khác nợ mẹ.... Người đàn bà đứng lại thờ chồng, nuôi con, đức hạnh và dũng cảm, không sợ điều gì, nhưng rất sợ dư luận. Mẹ tôi sợ dư luận hơn sợ chết, đến tận bây giờ vẫn sợ.

Mẹ là người đàn bà góa trẻ đẹp, duyên dáng nhưng rất giữ phẩm hạnh. Dù nhiều đàn ông giàu có, thành đạt theo đuổi song bà đều từ chối, cả đời chỉ yêu duy nhất bố tôi. Nhưng người ta đâu có tha. Ngày nào cũng có lời đàm tiếu, mẹ tôi ngủ với người đàn ông này, qua lại với người đàn ông kia. Bởi thế, mẹ, thậm chí, không bao giờ dám đứng gần bất cứ nam giới nào trong làng, chứ đừng nói đến cười hay bắt chuyện với họ, mấy chục năm mẹ sống như vậy. Thế mà người ta vẫn đồn mẹ có chửa với ông X, ông Y. Đồn thôi chưa hả dạ, giữa chợ quê đông người, có người đàn bà nọ lấy tay sờ sờ bụng mẹ, nắn nắn và hỏi:" Này, đang chửa đấy à?" rồi há miệng ngửa mặt lên trời cười ha hả, sung sướng đã đời. Xung quanh thì thầm, chỉ trỏ, khúc khích với nhau. Xát muối vào nỗi đau của kẻ khác, đôi khi là sở thích không thể kìm hãm của một số người. Giống như tiếng reo hò cổ vũ trên khán đài của trận đấu bò tót thời xưa. Khi đấu sĩ bị bò húc chết, đám đông trở nên cực kỳ phấn khích, càng nhiều người chết, càng hấp dẫn hơn. Họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để xem người khác bị giết.

Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời - Ảnh 2.

Chiếc xe đạp mẹ đi làm mấy chục năm, vẫn giữ làm kỷ niệm. Ảnh: Cẩm Loan

Mẹ tôi kể, hôm ấy mẹ đã nở nụ cười thản nhiên và bất cần: "Ừ, đang chửa đấy. Sợ gì mà không chửa. Chửa thì đẻ thôi". Rồi mẹ đạp xe đi trong sự ngỡ ngàng của chợ quê buổi sớm, lạnh lẽo gai người. Chờ mãi không thấy mẹ đẻ thì người ta tiếp tục đồn, chắc phá thai rồi, trông xanh xao lắm...

Khi viết đến đây, tôi đã khóc, không thể viết tiếp... Tôi thương mẹ biết chừng nào! Tôi không hiểu nổi mẹ có tội tình gì mà người ta đối xử như vậy. Tôi cũng không biết, bạn từng đóng vai gì trong câu chuyện ấy, là nạn nhân bị dư luận bủa vây cả đời như mẹ tôi hay chính là một phần trong đám đông tàn nhẫn kia... Hay cả hai?

Bạn có nghĩ rằng, những thông tin ấy, những lời khiếm nhã, thậm chí độc ác đó sẽ không bao giờ gột sạch được, trong cuộc đời dài dằng dặc sau này của những số phận tội nghiệp, mà những người đang sống trong bình yên đủ đầy, làm sao hiểu. Chúng ta sẽ không bao giờ đủ thông minh để hiểu nỗi đau của một người mù khi chúng ta có đủ hai mắt.

Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời - Ảnh 3.

Ảnh mẹ chụp với con gái năm con học lớp 9, được học sinh giỏi và mẹ cho đi Lăng Bác. Ảnh: Cẩm Loan

Cũng giống những người đàn bà trong làng tôi ngày xưa, hoặc làm ruộng, một năm hai vụ mùa, hoặc làm nhà nước, sáng 8h đi, chiều 4h, 5h tan. Có người chỉ ở nhà nội trợ, kinh tế đã có chồng. Họ làm sao hiểu người phụ nữ đơn thân nuôi con như mẹ tôi. Hằng ngày, mẹ phải dậy từ 12h đêm để đi chợ, một năm 365 ngày như vậy, ốm cũng không dám nghỉ. Tôi chỉ thấy mẹ nghỉ chợ vào đúng ngày duy nhất trong năm là mùng 1 Tết và ngày ông bà tôi mất. Nhà chúng tôi ở giữa cánh đồng, xung quanh toàn bãi tha ma. Suốt tuổi thơ của tôi, từ khi 5 tuổi, đã luôn ngủ một mình, đêm nào cũng trùm kín chăn đến ngạt thở vì sợ.

Những ngày đông buốt của Bắc bộ tới 4,5 độ, mẹ kể đạp xe trong đêm, cả tay chân đều không có cảm giác, chỉ đạp theo quán tính... Bình thường mẹ tôi về nhà vào 12h trưa, hôm nào ế hàng thì 22h đêm. Tức có những thời điểm mẹ làm việc 20 tiếng một ngày... Có hôm 23h đêm, mẹ chạy về gào khóc vật vã, tức tưởi vì làm việc cả ngày cả đêm, mệt quá, lờ đờ, để quên xe đạp và mất. Đêm ấy mẹ không về nhà, mẹ đi tìm xe suốt đêm... nhưng không thấy. Xe đạp để mẹ chở hàng, còn quý hơn mạng sống.

Kể chuyện làng: Miệng lưỡi người đời - Ảnh 4.

Ảnh mẹ chụp với cháu ngoại. Ảnh: Cẩm Loan

Thế nhưng, sau tất cả vất vả, cô đơn, tủi nhục mẹ tôi trải qua, mà ở khuôn khổ bài viết này không thể kể hết, có lần tôi hỏi mẹ sợ nhất điều gì trong những năm tháng ấy, mẹ tôi thật thà trả lời: Mẹ sợ nhất mỗi khi đi chợ về, phải đạp xe qua chỗ tụ tập của mấy bà mấy cô rảnh rỗi trong làng. Họ cứ như chỉ ngồi chờ mẹ về để cười cợt, thêu dệt một cách công khai. Mẹ sợ lắm, đến nỗi nếu không có việc quan trọng thì mẹ không dám ra ngõ, đi chợ về chỉ ở nhà. Chúng tôi, mẹ góa con côi, cứ như nhà có tội phạm, ai đi qua cũng dòm vào, cũng tò mò, bàn tán.

"Lời nói không mất tiền mua" nhưng đôi khi "Lời nói đọi máu" đấy. Bạn có tin không? Ngày học lớp 3, có lần tôi sang nhà bác ruột chơi. Ở đó, có người họ hàng cũng là ruột thịt của mẹ tôi bỗng dưng trợn mắt quát: "Loan, sao mày không chào tao à?". Dù tôi giải thích cháu chào rồi, xung quanh cũng công nhận tôi đã chào nhưng người đó vẫn nhìn thẳng mắt tôi và lạnh lùng: "Đúng là cái đồ con không cha, đầu đường xó chợ, không ai dạy dỗ".

Tôi dù chỉ có mẹ nhưng được giáo dục nghiêm khắc, là đứa trẻ ngoan và học giỏi có tiếng. Lần đầu trong đời, tôi nghe người lớn, đáng tuổi cha mình, ruột thịt thân thiết, nói với mình những lời tàn nhẫn như thế mà không hiểu vì sao. Tôi khóc uất nghẹn, chạy một mạch về nhà, mãi không nín được. Đến tận bây giờ, câu nói ấy vẫn văng vẳng bên tai... Tôi không bao giờ bước chân đến nhà người đó, cho đến tận khi lớn lên, tôi mới tha thứ được cho ông ấy.

Một câu nói có thể cứu một đời cũng có thể vùi dập một đời. Bản thân tôi, phải đến gần 40 tuổi, qua bao nhiêu hỉ nộ ái ố, trải nghiệm và học hỏi không ngừng, mới gọi là có chút bản lĩnh đứng ngoài dư luận.

(Viết tặng sinh nhật mẹ 15/3/1956 – 15/3/2022 )

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

No comments