Đạo diễn Dũng Nghệ tiết lộ những thách thức khi làm phim về ngành Công an
Phim về ngành Công an: Không chấp nhận mạo hiểm đụng đến các vùng cấm?
Lý do gì khiến đạo diễn Dũng Nghệ nhận lời thực hiện phim Hồ sơ tội ác? Anh có áp lực gì khi thực hiện phim về đề tài này không?
- Tôi đã được đọc đề cương phim Hồ sơ tội ác cách đây hai năm và cảm thấy vô cùng hứng thú với cách kể chuyện của tác giả. Bẵng đi một thời gian, tới cuối năm 2021, tôi nhận được lời mời đảm nhiệm dự án này. Thú thật, lúc đầu tôi đã từ chối vì biết trong điều kiện sản xuất hiện tại, với kịch bản hình sự đậm chất "ma mị'' thế này mà phải làm trong điều kiện đẩy nhanh tiến độ để tránh dịch Covid-19 quả thực là một thách thức lớn, thậm chí có thể nói là mạo hiểm.
Nhưng với sự thuyết phục nhiệt tình đến từ ê-kíp sản xuất, sau một tuần tôi đã quyết định nhận lời. Tôi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn để chinh phục kịch bản này, với mong muốn mang đến cho khán giả một món ăn mới lạ trên "bàn tiệc" phim hình sự.
Anh có sự chuẩn bị các cảnh hành động như thế nào để vừa có sức thuyết phục vừa đảm bảo an toàn cho diễn viên?
- Những cảnh hành động luôn được ê-kíp và nhóm diễn viên đóng thế bàn bạc, trao đổi và tập luyện một cách nhuần nhuyễn trước khi bấm máy chính thức. Tiêu chí của tôi là hiệu quả và đặt an toàn của diễn viên lên trên hết, nên các bạn diễn viên rất yên tâm, hào hứng khi thực hiện những phân cảnh này.
Hồ sơ tội ác là serie phim truyền hình theo kịch bản của tác giả Phạm Trung Tín, đạo diễn Dũng Nghệ. Phim sẽ lên sóng vào dịp Quốc khánh 2/9. Phim có tham gia của Huỳnh Trường Thịnh, Lê Tú Vi, Huỳnh Anh Tuấn, Khương Thịnh, Huy Khánh, Nam Thư, Ly Na Trang, Huỳnh Quý…
Nội dung phim phản ánh quá trình đấu tranh đầy mưu trí và truy bắt những kẻ giết người hàng loạt của đội trọng án thuộc phòng Cảnh sát hình sự công an thành phố.
Thông qua đó bóc trần bộ mặt của những kẻ xấu xa đội lốt người của một số kẻ thành đạt trong xã hội, đồng thời khắc họa những bi kịch tinh thần, tổn thương sâu sắc trong quá khứ đã biến những con người được xã hội coi trọng thành kẻ sát nhân máu lạnh….
Thể loại phim hình sự trinh thám có chỗ đứng riêng, được sản xuất nhiều cũng là một tín hiệu mừng nhưng có là thách thức cho đạo diễn và nhà sản xuất không, thưa anh?
- Thể loại phim hình sự trinh thám luôn được khán giả ưu ái đón nhận vì đặc trưng của nó luôn tạo ra sự gay cấn, bí ẩn, và khơi gợi trí tưởng tượng của đông đảo người xem. Cho nên, các nhà sản xuất vẫn luôn muốn khai thác đề tài này. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho các đạo diễn, diễn viên có thế mạnh về thể loại này.
Tuy nhiên, nếu làm không sáng tạo, không chấp nhận mạo hiểm đụng đến các "vùng cấm" hoặc làm quá nhiều thì sẽ đi vào lối mòn khô cứng theo mệnh đề "ta luôn thắng, tội phạm luôn thua". Điều đó sẽ khiến cho người xem bị nhàm chán. Điều này thực sự là một thách thức rất lớn dành cho đội ngũ biên kịch cũng như đạo diễn.
Kinh phí thực hiện có là vấn đề thách thức với anh khi sản xuất phim hành động không?
- Chắc chắn rồi, do kinh phí có giới hạn nên đạo diễn buộc phải xoay sở "liệu cơm gắp mắm" chế tác kịch bản trong phạm vi mà nhà sản xuất cho phép cả về thời gian, lẫn tiền bạc. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho không ít đạo diễn và nhà sản xuất trở nên căng thẳng với nhau vì không phải lúc nào cả hai cũng có thể nhìn về một hướng.
Tôi rất mong trong thời gian tới các đài truyền hình, các công ty quảng cáo sẽ rót nhiều tiền hơn nữa cho chi phí đầu tư sản xuất phim nói chung, để nâng cao dần chất lượng sản phẩm nếu không muốn bị webdrama bỏ xa, chứ đừng nói đến việc cạnh tranh lấy lại thị phần trên các nền tảng chiếu phim khác.
Làm phim về công an cẩn trọng gấp đôi, gấp ba
Làm phim chuyên ngành rất dễ bị "soi" về chuyên môn, đạo diễn Dũng Nghệ đã chuẩn bị điều này ra sao?
- Làm phim tâm lý xã hội cẩn trọng mười thì làm thể loại hình sự phải yêu cầu các bộ phận chuyên môn tập trung gấp đôi, gấp ba lần vì nó liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghiệp vụ và hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Rất may là tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm với thể loại này.
Hồi còn làm Cảnh sát hình sự ở VFC, chúng tôi được các vị tướng ở Bộ Công an trực tiếp cố vấn khá kỹ lưỡng về điều lệnh cũng như một số biện pháp nghiệp vụ. Ngoài ra, tôi còn xin đi theo các anh cảnh sát hình sự, công an Hà Nội để xem thực tế phá án là như thế nào? Nói là kỹ như vậy nhưng khi làm phim cũng không thể tránh khỏi những sai sót đáng tiếc.
Phim truyền hình đang gặp thách thức vì quá nhiều cạnh tranh từ nhiều nguồn giải trí khác, đạo diễn Dũng Nghệ có ý kiến thế nào về vấn đề này?
- Trước hết, mỗi người nghệ sĩ cần phải thay đổi tư duy và thẩm mỹ, chịu khó học hỏi và cập nhật những xu hướng làm phim theo công nghệ mới, dám dấn thân vào những đề tài khó, những vấn đề gai góc của xã hội để hơi thở của phim có không khí hiện thực hơn.
Các nhà sản xuất, cần có sự chắt lọc nhân sự và đào tạo được đội ngũ nhân lực có tay nghề cao và có tinh thần làm việc thật chuyên nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, cần có những chính sách hỗ cho các nhà làm phim trẻ được đi học hỏi cách làm phim ở những nước có nền điện ảnh phát triển.
Ngay cả đội ngũ nhân viên kỹ thuật, ánh sáng, dựng cảnh, hóa trang… cũng phải được đào tạo lại một cách bài bản. Bên cạnh đó, phải tạo ra những cơ chế pháp lý, tài chính, nhằm thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh và truyền hình phát triển. Có những giải pháp bảo hộ, chống lại sự cạnh tranh "bất bình đẳng" giữa phim trong nước và phim nước ngoài đang được chiếu tràn lan trên nhiều nền tảng kỹ thuật số. Nếu chúng ta thực hiện sự thay đổi một cách đồng bộ và bài bản thì trong tương lai gần phim Việt Nam sẽ không bị đánh mất thị phần ngay trên chính sân nhà…
Cảm ơn đạo diễn Dũng Nghệ đã chia sẻ!
No comments