Chuyện đặc biệt về bức tranh được mẹ nhạc sĩ Trần Tiến đặt trên ngực trước khi qua đời
Hoạ sĩ Tuấn Dũng viết:
"Bức chân dung này, mình vẽ đã cách đây trên dưới 50 năm. Ngày ấy, vẽ chưa xong nhưng Trần Tiến thích lắm, bảo: "Cho tao mang về để anh Trần Hiếu xem, rồi mai tao mang đến mày vẽ tiếp".
Thế rồi Trần Tiến mất hút.
Mấy chục năm sau, cả hai mới gặp lại. Mình bảo: "Tranh đâu, đưa tao hoàn chỉnh". Trần Tiến nói: "Khi tao đi xa, lúc mẹ ốm, bà bắt anh Trần Hiếu đưa tranh vẽ tao xuống… Cụ úp lên ngực rồi sau cụ đi. Bây giờ trong tranh ấy có cả tình yêu và linh hồn của cụ".
Hơn 50 năm mới được xem lại tranh mình vẽ, chưa hoàn thiện, chưa ký tên, mà xao xuyến, xúc động quá. Bức tranh - mà theo Tiến nói - có đẫm tình yêu thiết tha của người mẹ với con mình.
Trong cuộc đời luôn có những điều thiêng liêng, những tình thương yêu và tình bạn đẹp như cổ tích vậy…"
Chia sẻ với PV Dân Việt, hoạ sĩ Tuấn Dũng cho biết thêm: "Bức hình đó, tôi vẽ Trần Tiến vào năm anh ngót nghét 30 tuổi.
Tôi chơi với Trần Tiến từ rất lâu, khi cả hai đều còn trẻ (tôi sinh năm 1942, hơn Tiến 5 tuổi). Lúc đó, Trần Tiến còn làm Đoàn Văn công Hà Nội, tôi đã lập gia đình, có hai con nhỏ, vợ đi công tác tại nước ngoài, cuộc sống hồi đó ai cũng khó khăn. Thi thoảng Trần Tiến lại mang cho tôi một hộp sữa Liên Xô để chăm con.
Một hôm, tôi bảo Trần Tiến: "Mày đến đây, tao vẽ cho một cái chân dung". Ban đầu, tôi vẽ chính diện gương mặt. Thế nhưng hôm sau, Trần Tiến đưa bạn gái tới, vừa ngồi vẽ, Tiến vừa quay ra nói chuyện với cô gái đó. Cũng bởi vậy, tôi xóa gương mặt phác thảo ban đầu, chuyển sang vẽ nghiêng. Cuối buổi, Trần Tiến thích quá. Cậu ấy nói: "Ôi, để tao mang về cho anh Hiếu xem, mai tao mang tới rồi vẽ tiếp". Sau đó, Trần Tiến mất tích luôn. Cũng bởi vậy, câu chuyện cảm động tôi viết ở trên mới ra đời".
Họa sĩ Tuấn Dũng sinh năm 1942 tại làng Quan Nhân, Hà Nội. Từ năm 1961, thấy ông có năng khiếu hội hoạ, hoạ sĩ Phạm Viết Song và hoạ sĩ Đình Minh đã nhận kèm mà không nhận thù lao.
Ông trở thành hoạ sĩ minh hoa, trình bày, biên tập viên tại các báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Giao thông Vận tải. Ông cũng đảm nhiệm vai trò Phó Tổng biên tập Tạp chí Kho bạc Nhà nước (hiện là Tạp chí Quản lý ngân quỹ quốc gia). Từ năm 2002, ông nghỉ hưu và dành nhiều thời gian cho hội hoạ. Ông đã có 7 triển lãm cá nhân, với số lượng tranh đồ sộ, được nhiều nhà sưu tầm trong nước và quốc tế yêu thích.
Hoạ sĩ Tuấn Dũng cũng là người góp công trong việc phát hiện nhà thơ Trần Đăng Khoa, từ những trang viết đầu tiên thi sĩ nhí 9 tuổi gửi về báo Thiếu niên Tiền phong: "Ngay khi đọc những bài thơ trong tập thơ Khoa gửi về, tôi đã phải gọi đồng nghiệp tới và thốt lên: "Sao lại có một cậu bé tài năng tới vậy". Bức tranh minh họa của hoạ sĩ Tuấn Dũng cũng là nguồn cảm hứng cho bài thơ "Khi mẹ vắng nhà" nổi tiếng của nhà thơ này.
Hiện tại, ở tuổi 80, hoạ sĩ Tuấn Dũng vẫn cầm cọ vẽ mỗi ngày: "Tôi vẫn vẽ khoảng 3 – 4 tiếng/ngày. Với tôi, đó là đam mê lớn nhất. Nó không chỉ đem lại cho tôi niềm vui mà còn giúp tôi có những người bạn, những tri kỷ trong nghệ thuật".
No comments