Đọc sách cùng bạn: Trong ta là những hố thẳm
Cuốn tiểu thuyết khởi đi từ một tiền đề: Điều gì sẽ xảy ra khi một cuộc sống thành đạt bị phá huỷ sau một tai nạn khủng khiếp? Và nếu trách nhiệm cho vụ tai nạn đó thuộc về người sống sót duy nhất: Chồng của người phụ nữ đã chết? Những câu hỏi đạo đức phức tạp này đã đẩy cuốn tiểu thuyết đến một kết thúc đen tối, không sợ hãi.
HỐ ĐEN SÂU THẲM
Tác giả: Pyun Hye-young (Hàn Quốc)
Dịch giả: Vương Thuý Quỳnh Anh
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hà Nội, 2021
Số trang: 205 (khổ 14x20,5cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 108.000đ
Ogi – nhân vật chính là một giáo sư về môn Địa lý học, một người đàn ông tự lập và đã kết hôn. Anh ta cũng là một kẻ lừa đảo có cuộc hôn nhân yêu thương nhưng đầy trắc trở và công việc chuyên môn của anh ta cũng có nhiều chuyện khuất tất. Sau một tai nạn ô tô cướp đi người vợ của mình, Ogi bị liệt toàn thân, mất giọng nói, chỉ còn cách chớp mắt để giao tiếp với bên ngoài nhưng không ai nhận thấy.
"Hố đen sâu thẳm" lúc đầu có vẻ kể về sự thương tiếc và hồi phục sau tai nạn ô tô của Ogi khi thế giới của anh ta thu nhỏ lại trong căn phòng anh ta nằm và những ký ức về mối quan hệ rắc rối của anh ta với vợ, một người phụ nữ nhạy cảm, thông minh, người thấy rằng tất cả các mục tiêu cuộc sống của mình đều bị cản trở chỉ trừ một mục tiêu: trồng trọt khu vườn trước nhà của họ. Nhưng nó đã nhanh chóng gây bất ngờ khi trở thành câu chuyện về Ogi và mẹ vợ của anh ta – một goá phụ đâu buồn vì mất đứa con gái duy nhất của mình. Mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa mẹ vợ và con rể này trở nên căng thẳng và khó đoán sau tai nạn, sau những tiết lộ liên quan đến cuộc hôn nhân của Ogi và sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa Ogi nằm liệt giường, hoàn toàn phụ thuộc và mẹ vợ khoẻ mạnh của anh ta. Nhất là khi Ogi nhận thấy mẹ vợ mình cứ luôn bỏ anh nằm một mình trong nhà để ra ngoài khu vườn, nhổ bỏ những thứ mà vợ anh đã dày công trồng trọt và bị ám ảnh đào những cái hố ngày càng lớn. Khi được hỏi, bà ta chỉ trả lời rằng bà đang hoàn thành những gì con gái bà đã bắt đầu.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ nhân vật nhưng có sự hồi hộp của một bộ phim kinh dị. Những trở ngại tiếp tục cản trở sự phục hồi của Oghi: cô hộ lý chăm sóc ban đầu của anh ta làm việc chểnh mảng, thô thiển, bác sĩ vật lý trị liệu của anh ta bị cho thôi việc vì mẹ vợ không đủ khả năng chi trả và bác sĩ phẫu thuật của anh ta bị tai nạn nên cuộc phẫu thuật dự định của Oghi bị hoãn lại. Những hoàn cảnh mới, thay đổi này do Oghi ra lệnh hoặc truyền đạt cho Oghi thông qua mẹ vợ của anh, người mà anh không còn tin tưởng nữa.
Trong một hồi tưởng về vợ Ogi nhớ lại có lần cô vợ đã đọc cho anh ta nghe một bài thơ trong đó có một câu nói rằng tuổi bốn mươi là tuổi mang đầy tội lỗi. Anh ta cho rằng đó là định nghĩa đúng nhất về tuổi bốn mươi. "Bốn mươi là thời điểm để tội lỗi có điều kiện phát triển, vì người ta hoặc là có quá nhiều thứ, hoặc là chẳng có gì. Nói cách khác, vào tuổi bốn mươi, con người dễ dàng gây ra tội lỗi vì quyền lực hoặc vì phẫn nộ và cảm giác bị tước đoạt." (tr. 79). Theo một nhà phê bình văn học Hàn Quốc, điều này nói lên một cách mạnh mẽ tình trạng xã hội Hàn Quốc và các quốc gia công nghiệp phát triển nói chung đang bị chia rẽ về mặt xã hội, nơi mà bất ổn bạo lực thường che đậy vấn đề bất bình đẳng: ai có quyền lực và ai bị lạm dụng quyền lực đó? Oghi đã từng sử dụng sức mạnh như vậy nhưng bây giờ phát hiện ra sức mạnh đó đã được sử dụng để chống lại anh ta. Ngay cả những dây leo che cửa sổ của anh ta cũng dường như xâm nhập và nuốt chửng tầm nhìn của anh ta, củng cố địa vị tù nhân của anh ta.
Tên cuốn tiểu thuyết trong tiếng Anh là "The Hole". Nghĩa của nó là cái hố, cái lỗ. Những cái hố đó, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, có nhiều trong cuốn tiểu thuyết. Vụ tai nạn đã biến thanh quản của Oghi thành một cái hố nên anh ta không còn nói được. Tai nạn cũng gây ra một cái hố trong trí nhớ của Ogi. Khi Oghi bắt đầu nhớ lại, thương tiếc và hồi tưởng lại tài năng cũng như những giấc mơ thất vọng của vợ mình, anh ta bắt đầu hiểu được "lỗ hổng" mà cuộc đời cô dành cho mình. Những lỗ hổng khác đối với Oghi là những lỗ hổng về kiến thức; mỗi gia đình là một khó khăn, không rõ địa lý. Anh ta chiêm nghiệm về sự rỗng tuếch của tình yêu thầm kín; anh ta biết rằng những bí mật nguy hiểm nhất của mình có thể không còn là bí mật đối với mẹ vợ. Mặc dù Oghi biết mẹ vợ của mình là người lai Nhật, là một loại "người nước ngoài", nhưng anh ta không sao hiểu được cái câu Tasukete kudasai mà bà hay lặp đi lặp lại với mình có nghĩa là "Hãy cứu tôi", do vậy bà mới ra vườn cặm cụi đào cái hố to. Anh ta cũng không hiểu tại sao thành công của mình càng lớn thì anh ta càng cảm thấy mình đã "liên tục đánh mất một cái gì đó."
Lỗ hổng lớn nhất mà tác giả muốn nói tới trong cuốn tiểu thuyết có lẽ là bí ẩn về con người trong chu kỳ dài của cuộc sống. Như Ogi tự nghĩ, "làm người là phải chịu đựng sự trống rỗng." Thông qua việc tiết lộ những lỗ hổng ám ảnh cuộc sống của ba nhân vật, cuốn tiểu thuyết được xây dựng theo hướng cao trào rùng rợn. "Hố đen sâu thẳm" dành cho những độc giả không sợ hãi khi biết rằng cuộc sống của chúng ta và những người thân yêu của chúng ta là những người xa lạ đối với chúng ta.
Nhà văn Pyun Hye-young sinh 1972 tại Seoul. Tốt nghiệp cử nhân ngành Sáng tác Văn học tại Học viện Nghệ thuật Seoul và thạc sĩ Văn học tại Đại học Hanyang. Hiện nay, cô là giảng viên Khoa Sáng tác Văn nghệ tại Đại học Myongji. Sáng tác của Pyun Hye-young bắt đầu xuất hiện từ năm 2000. Đến nay, cô đã xuất bản hơn mười tiểu thuyết và tập truyện ngắn chủ yếu đi sâu vào những góc tối kỳ dị ở con người và được coi là một tác giả tiêu biểu của văn học hàn Quốc với nhiều giải thưởng. "Hố đen sâu thẳm" đã đoạt giải Shirley Jackson Award năm 2017 và lọp tốp 10 sách ly kỳ rùng rợn cần đọc mùa hè cùng năm của tạp chí Time. Bản dịch của Vương Thuý Quỳnh Anh đọc tốt, lôi cuốn người đọc nhập được vào truyện và tâm trạng nhân vật.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 19/8/2022
No comments