NSND Triệu Trung Kiên: "Khán giả sẽ không hối tiếc khi bỏ tiền xem cải lương"
Công chúng của thời đại 4.0 đang đứng trước nhiều sự lựa chọn loại hình giải trí nghệ thuật thì kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương...) cũng cần có sự đổi mới tương xứng. NSND Triệu Trung Kiên từng chia sẻ: "Mỗi loài hoa có sức hút riêng và khán giả cũng cần đổi món. Tôi không dám nói khán giả sẽ nô nức mua vé vào rạp xem cải lương như ngày trước nhưng sẽ không để họ cảm thấy hối tiếc khi bỏ tiền vào rạp xem cải lương".
NSND Triệu Trung Kiên sớm thành danh với nghệ thuật cải lương và hiện đang làm giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, anh có thể chia sẻ tâm huyết của mình với cải lương?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều là nghệ sĩ cải lương. Bố mẹ tôi trúng tuyển và nhập học tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Ông bà may mắn được học các thầy cô là những nghệ sĩ tài giỏi của cả hai miền, trong đó có NSND Tám Danh, nghệ sĩ Ba Du, nghệ sĩ Phi Điểu… là những nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Khoảng 3 tuổi, tôi đã bập bẹ hát các điệu lý Nam Bộ, 7 tuổi tôi đã lên sân khấu diễn vai diễn đầu tiên (Trần Quốc Toản). Tôi trải qua những năm tháng thơ ấu nhiều kỷ niệm trong khuôn viên của Nhà hát Cải lương Trung ương, nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Cải lương Bắc đã như là máu thịt của tôi. Tưởng chừng có những lối rẽ khác giai đoạn lập nghiệp, nhưng vòng vo thế nào, tôi lại trở về lối cũ, dường như cải lương đã là định nghiệp. Và khi đã là định nghiệp, là máu thịt thì tôi tâm niệm mình phải làm tốt nhất cái "nghiệp" ấy, để sống có ích cho xã hội, cho đất nước, cho gia đình và bản thân. Đơn giản vậy thôi.
Theo anh các vở diễn hiện nay cần phải đảm bảo những tiêu chí nào để góp phần nâng cao tính thẩm mỹ cho người xem?
- Phải đảm bảo định hướng, đảm bảo tính dân tộc và đương đại; hội nhập với nghệ thuật sân khấu thế giới; được đầu tư thỏa đáng từ cơ sở vật chất đến không gian hưởng thụ, đến bản thân tác phẩm. Đổi mới mạnh mẽ trong sáng tạo, vừa phù hợp với thị hiếu người xem nhưng cũng phải đi trước người xem về trình độ thẩm mỹ để cùng định hướng và dẫn dắt người xem đến với những giá trị đích thực của nghệ thuật sân khấu hiện đại.
Tôi vẫn tin rằng, với những nỗ lực đúng hướng, nghệ thuật sân khấu Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng như quá trình phát triển đất nước.
Tại Nhà hát Cải lương Việt Nam các nghệ sĩ trẻ được bồi đắp tình yêu với nghệ thuật cải lương và các nhân vật trong tác phẩm như thế nào?
- Bản thân mỗi nghệ sĩ đến giờ phút này vẫn gắn bó với đơn vị dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn đã cho thấy họ yêu và chung thủy với nghề như thế nào. Ngược lại, nghiệp diễn cũng cho họ cuộc sống ổn định, cho họ những phút giây thăng hoa trên sân khấu khi được phiêu du cùng các số phận nhân vật ở những không gian, những thời đại khác nhau.
Cũng không thiếu những khoảnh khắc thực sự vui sướng và hạnh phúc trong vòng tay của đông đảo khán giả mến mộ. Một điều cũng rất riêng tư và cũng rất lạ kỳ là ở những con người có tố chất nghệ sĩ hay nói cách khác được mang một thiên chức làm vui cho cuộc đời là họ thực sự có được những rung cảm mãnh liệt khi đứng dưới ánh đèn sân khấu.
Họ được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khi hóa thân vào muôn vàn các số phận khác nhau và trước họ là những hàng ghế đầy ắp người xem đang dõi theo họ, cảm nhận họ, được họ dẫn dắt cảm xúc và tư duy. Cả người diễn lẫn người xem cùng hòa cảm với nhau để đắm chìm trong thế giới huyền thoại muôn màu và lóe lên những nhận biết tuyệt diệu.
Có lẽ đó cũng chính là lý do để họ không muốn rời xa ánh đèn sân khấu. Và nhiệm vụ của chúng tôi và lực lượng đồng sáng tạo - khán giả, là tạo ra những không gian nghệ thuật, những tác phẩm sân khấu đầy mê hoặc để cảm xúc của người nghệ sĩ được thăng hoa và nhận thấy mình có ý nghĩa, có giá trị lớn lao như thế nào trong đời sống xã hội hiện đại.
Theo anh nghệ thuật cải lương và các loại hình nghệ thuật truyền thống có vai trò gì với giới trẻ?
- Các loại hình nghệ thuật truyền thống với thế mạnh là các đề tài lịch sử, văn hóa, văn học. Chúng ta rất cần các loại hình văn học, nghệ thuật phát huy thế mạnh để những kiến thức lịch sử của dân tộc Việt được phổ biến rộng rãi. Điều này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc cho các thế hệ trẻ, cao hơn nữa là trở thành động lực cho phát triển đất nước.
Nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong việc xây dựng nhiều hơn các tác phẩm đề tài lịch sử, văn hóa với những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn. Đây cũng là một trong những cách lôi kéo khán giả trẻ quan tâm hơn và trở lại với nghệ thuật sân khấu cũng như nâng cao sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa nước nhà.
Xin cảm ơn NSND Triệu Trung Kiên đã chia sẻ!
No comments