Số lượt view trên Youtube giảm mạnh khán giả Việt bắt đầu thói quen trả phí khi nghe nhạc
Ngày càng nhiều khán giả đầu tư phòng nghe nhạc tại nhà
Trái với những lo lắng về sự biến mất của các sản phẩm âm nhạc vật lý (CD, đĩa than hay Cassette) ở thời gian trước đó, thị trường băng đĩa đang có những dấu hiệu tích cực trở lại với sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm chất lượng trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, hàng loạt nghệ sĩ như Phạm Thu Hà, Hoàng Thuỳ Linh, Lê Cát Trọng Lý... cho ra mắt đĩa than với sự đầu tư kỹ lưỡng trong khâu sản xuất.
Là một trong những nghệ sĩ luôn "cháy hàng" khi ra CD, ca sĩ Lan Anh khẳng định với Dân Việt: "Việc thị trường băng đĩa thu hẹp là một thực trạng không thể tránh khỏi trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc số. Tuy vậy, công chúng yêu nhạc cũng chia ra nhiều nhánh khác nhau. Hiện tại, không ít người có nhu cầu thưởng thức âm nhạc chất lượng cao ngay tại nhà, họ đầu tư phòng âm thanh với nhiều thiết bị hiện đại, như một cách chơi âm thanh. Cũng bởi vậy, họ có nhu cầu săn lùng các đĩa nhạc chất lượng".
Cũng theo ca sĩ Lan Anh, do nhu cầu nghe nhạc tại nhà sau thời gian làm việc, đa số người nghe lựa chọn dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình để thư giãn, giải trí. Đây cũng là lý do vài năm nay chị thường chọn lọc các sản phẩm thuộc thể loại âm nhạc này khi cho ra sản phẩm vật lý.
"Hoạ mi bán cổ điển" Phạm Thu Hà, người thực hiện dự án Live Studio Session - đĩa than sử dụng công nghệ thu âm trực tiếp tại Việt Nam cũng cho rằng: "Quan trọng nhất là ca sỹ phải hiểu đúng tệp khán giả yêu thích dòng nhạc mình đang theo đuổi. Việc lựa chọn bài hát, lựa chọn nhạc sỹ phối khí, nhạc công giỏi... là những yếu tố rất cần chọn lựa một cách kỹ càng để làm nên một album âm nhạc hoàn hảo. Đương nhiên những giá trị mình gửi gắm vào sản phẩm sẽ được khán giả đáp lại tương ứng. Tôi chưa bao giờ lo lắng về việc bán đĩa của mình cho những người yêu âm nhạc của Phạm Thu Hà".
Phạm Thu Hà cũng chia sẻ thêm: "Kinh nghiệm của tôi là chỉ phát hành 50% số lượng những gì mà thị trường khao khát. Người ta vẫn nói rằng: "Thà để đói còn hơn thừa thãi". Nói vui như vậy, nhưng tôi nhấn mạnh vào việc thấu hiểu khán giả của mình và đặc biệt là lựa chọn thật kỹ để làm nên những tác phẩm mà khán giả không thể từ chối". Tuy nhiên, nữ ca sĩ cũng cho rằng, dù thị trường băng đĩa chịu tác động, cũng không nên phủ nhận sự đóng góp của nhạc số đối với sự phát triển của âm nhạc: "Hãy nhìn ra thế giới lúc này, xu thế phát hành âm nhạc của các ca sỹ, nhạc sỹ trên các nền tảng số như Spotify, Apple Music... gần như là tất yếu. Không ai có thể đi ngược lại. Mặc dù định dạng nén của âm nhạc trên nền tảng số không phải quá hay, tuy nhiên điểm mạnh là số lượng người có thể tiếp cận được là rất lớn. Ví dụ như người hâm mộ của tôi tại Mỹ chờ đợi trên Qobuz từng ngày một khi tôi thông tin chuẩn bị ra album mới.
So với cách phát hành các phiên bản vật lý như đĩa CD, đĩa than... với số lượng có hạn, việc phát hành nhạc trên nền tảng số mang lại cho Hà số lượng người nghe lớn hơn rất nhiều. Sau khi đã đo đếm được chính xác số lượng người yêu thích đã nghe trên nền tảng số thì ca sỹ sẽ đầy đủ thông tin để quyết định có ra CD hay đĩa than hay không... Có thể nói nói, âm nhạc số như cánh cửa giúp nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm với công chúng".
Khán giả dần quen với việc trả phí?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lâm Thời Đại, Giám đốc của Hãng đĩa Thời đại cho rằng: Suốt một thời gian dài các nghệ sỹ tại Việt Nam bị cuốn theo trào lưu nhạc "digital single" bằng cách ra những MV đánh nhanh, thắng nhanh, đi tắt đón đầu. Chính vì vậy, thị trường album Việt hầu như "chết lặng" trong gần suốt một thập kỷ. Sự thành công bùng nổ của Mỹ Tâm với album "Tâm 9" (2017) hay Hoàng Thuỳ Linh với "Hoàng" (2019)… là những cú nổ quan trọng của thị trường. Cả 2 album này lúc ra mắt không cần MV nào quảng bá, chỉ âm nhạc thôi đã thu hút sự chú ý của khán giả. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi của album âm nhạc - thứ chúng ta cần hướng tới".
Ông Lâm Thời Đại cũng khẳng định: "Gần đây MV đang dần được trả lại đúng vị trí và chức năng của nó - đó là công cụ, phương tiện quảng bá cho album của nghệ sỹ. Số lượt views dành cho MV trên Youtube đã giảm rất mạnh, ngược lại, dịch vụ streaming đã bắt đầu được quan tâm mạnh mẽ hơn. Đây cũng là xu hướng chung của toàn cầu. Youtube không còn là thước đo thành công như ngày xưa nữa khi khán giả nghe nhạc đã thực sự nghe nhạc ở các nền tảng trả phí cũng như bỏ tiền mua băng đĩa vật lý với chất lượng âm thanh tốt hơn".
Khi được hỏi về việc nghệ sĩ Việt có nên phát hành các ca khúc đúng với thị hiếu công chúng để làm nóng thị trường băng đĩa, ông Lâm Thời Đại đưa ra quan điểm: "Nhìn ở bức tranh lớn hơn toàn ngành công nghiệp âm nhạc, tôi có suy nghĩ khác. Tôi luôn cổ vũ, động viên các nghệ sỹ có duyên gặp gỡ luôn theo đuổi thứ âm nhạc mà họ yêu thích nhất, tôi tin là bản thân người làm nghệ thuật phải hạnh phúc và tự hào với âm nhạc họ làm ra thì sớm hay muộn họ sẽ thị phần của riêng mình. Hoàng Thuỳ Linh mất 10 năm trong nghề mới có được "Hoàng" và "LINK" mà tôi tin rằng, Linh không chọn "thị hiếu" ngay từ đầu.
Âm nhạc và nghệ thuật cần thời gian để thẩm thấu, nếu ai cũng chọn con đường tắt để chạm đến khái niệm thành công thì chúng ta sẽ có một thị trường âm nhạc khá buồn tẻ. May thay, và cũng là niềm tin dành cho thế hệ khán giả mới, âm nhạc Việt đã tạo ra những cú "sang chấn" trên thị thường âm nhạc quốc tế như "See Tình" của Hoàng Thuỳ Linh chẳng hạn, đó là tín hiệu vui và đáng mừng cho thị trường âm nhạc Việt Nam".
No comments