"Viết về sân khấu cần trái tim biết rung cảm và cái đầu tỉnh táo" - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

"Viết về sân khấu cần trái tim biết rung cảm và cái đầu tỉnh táo"

Nhiều năm qua, nhà báo Thanh Hiệp được mời làm giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và Trường Đại học quốc tế Sài Gòn (SIU); là MC của chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn của Đài truyền hình TP.HCM (HTV); đồng thời anh đang là ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM, Chủ nhiệm CLB Phóng viên sân khấu Hội Sân khấu TP.HCM.

gop/Nhà báo Thanh Hiệp (Báo Người Lao Động): Viết về sân khấu cần trái tim biết rung cảm và cái đầu tỉnh táo - Ảnh 1.

Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp và thầy NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc tại lễ trao giải báo chí TP HCM

"Chỉ có khi tách mình khỏi cái đầu một đạo diễn, để nhận định đúng về một tác phẩm dưới góc độ người xem có thông thái, thì lúc đó mới thật sự cảm nhận rõ sự cống hiến dành cho nghề báo.

Nhà báo Thanh Hiệp

Đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như nhà báo, MC, đạo diễn sân khấu nhưng có lẽ anh được biết đến nhiều nhất với vai trò là một nhà báo chuyên viết mảng sân khấu của Báo Người Lao Động. Xin hỏi, cơ duyên nào đưa anh từ học sân khấu điện ảnh đến với nghề báo?

- Tôi tham gia làm cộng tác viên của trang Văn nghệ Báo Công nhân Giải phóng cuối những năm 1988 - 1989, khi đó nhà văn Đoàn Thạch Biền chủ nhiệm chuyên san Áo trắng của NXB Trẻ đã giới thiệu tôi gặp nhạc sĩ Vũ Hoàng - Trưởng Ban Văn nghệ của báo Công nhân Giải phóng. Tôi bước vào nghề báo như thế, và được giao cho viết về lĩnh vực sân khấu từ những ngày đầu tiên.

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ duyên may mà tôi lại được gặp hai người thầy tận tâm trong nghề, đó là nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhạc sĩ Vũ Hoàng. Tôi đã được tạo điều kiện và học hỏi rất nhiều từ họ. Một thời gian sau đó, một lần tôi được phân công đến phỏng vấn đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, lúc ông đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, hiện là Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Qua trao đổi tôi biết trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sắp tuyển sinh khóa đào tạo hệ đại học đạo diễn đầu tiên dành cho khu vực phía Nam và tôi đã dự thi, đạt được học bổng. Cơ quan của tôi lúc đó là Báo Công nhân Giải phóng, sau đó đổi tên thành Báo Người Lao Động đã cho phép tôi vừa học, vừa làm, từ đó mà tôi vừa làm báo, vừa tham gia công tác đạo diễn sân khấu cho những hoạt động sau mặt báo.

Điều gì ở công việc làm báo đặc biệt là các bài báo viết chuyên sâu về mảng sân khấu khiến anh tâm đắc?

- Đó là mỗi bài báo của tôi đã được bạn đọc đón nhận, phần lớn nghệ sĩ tán đồng, kịp thời góp phần chấn chỉnh đời sống sàn diễn thời đó. Những bài phê bình vở diễn, chương trình nghệ thuật kém chất lượng hoặc còn quá nhiều hạt sạn đã cho tôi có cơ hội trao đổi, nhận ra thêm nhiều bài học quý trong tác nghiệp. Vấn đề không còn là khen chê đúng, hoặc chưa đúng, mà là sự đồng cảm sâu sắc với đứa con tinh thần của người làm sân khấu. Và điều khiến tôi vui nhiều nhất là nhận được những tin nhắn cảm ơn, tiếp thu những góp ý phê bình của tôi đã làm cho tác phẩm tốt hơn. Từ đó góp phần định hướng thẩm mỹ khán giả thông qua mỗi vở diễn mới...

gop/Nhà báo Thanh Hiệp (Báo Người Lao Động): Viết về sân khấu cần trái tim biết rung cảm và cái đầu tỉnh táo - Ảnh 3.

Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp và các nghệ sĩ gạo cội sân khấu miền Nam NSND Viễn Châu, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thuỷ

Nhiều người vẫn nói nghề báo là một trong số những công việc đòi hỏi phải có niềm đam mê. Vậy niềm đam mê của anh là gì, đó có phải là tác phẩm sân khấu, là tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ?

- Tôi được học nghiệp vụ của nghề đạo diễn sân khấu, trực tiếp trải nghiệm và đi sâu vào từng khâu để sáng tạo ra tác phẩm nên tôi hiểu như thế nào là sự đam mê, độ phiêu của người nghệ sĩ. Trái lại sự đam mê trong nghề báo thì cần cái đầu tỉnh táo để viết chính xác, phân định rạch ròi và không để mình bị phân tâm, đưa sự thương ghét cá nhân vào bài báo. Đam mê nghề sân khấu vì thế gây áp lực lớn cho đam mê nghề báo của tôi. Nếu người nghệ sĩ cống hiến cho sàn diễn vai diễn mà họ hóa thân, thì nghề báo cho tôi giới hạn viết về cảm nhận của một khán giả đặc biệt. Chỉ có khi tách mình khỏi cái đầu một đạo diễn, để nhận định đúng về một tác phẩm dưới góc độ người xem có thông thái, thì lúc đó mới thật sự cảm nhận rõ sự cống hiến dành cho nghề báo.

Được biết anh đã làm được 2 triển lãm ảnh về chân dung các nghệ sĩ sân khấu mà anh đã sử dụng trong bài báo của mình. Điều gì đã thôi thúc anh thực hiện các dự án này?

- Từ khi được tín nhiệm bầu giữ vai trò Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM và chủ nhiệm CLB Phóng viên Sân khấu TP.HCM, tôi đã nghĩ ra sáng kiến tổ chức những sân chơi để khán giả, nghệ sĩ và người làm báo cùng gặp nhau. Hai cuộc triển lãm ảnh "Sắc màu thời gian" và "NSND Bảy Nam – Người mẹ trên sân khấu Việt Nam", tôi đã có cơ hội giới thiệu những bức ảnh sân khấu mà tôi tâm đắc. Dự án này trong năm 2023 sẽ còn tiếp diễn với nhiều cuộc triển lãm khác như: Kép độc Nam Hùng – Hùng Minh; NSND Lệ Thủy; Từ HCV Thanh Tâm đến HCV Trần Hữu Trang… Tôi muốn nhân cơ hội này sẽ là nơi để anh chị em làm nghề báo có thể tìm lại những bức ảnh quý trong quá trình lao động tác nghiệp, từ đó tổ chức các chuyên đề triển lãm và talkshow với nghệ sĩ là nhân vật chính của những bức ảnh. Công chúng trẻ cũng sẽ có cơ hội để nghe về những kỷ niệm của quá trình lao động nghệ thuật của những cuộc đời nghệ sĩ tài danh.

Với sức sáng tạo và khả năng theo dõi cập nhật các tin tức, vấn đề của sân khấu kịp thời, chính xác anh nghĩ sao nếu như được mọi người nhận xét là "quá nhanh quá nguy hiểm"?

- Thực ra tôi thấy bây giờ tôi không nhanh bằng các đồng nghiệp trẻ hơn mình, vấn đề là tôi có một quá trình lao động bền bỉ và chắc chắn trong quá khứ nên tôi có cơ hội để vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm một cách kịp thời.

Hiện nay sân khấu phía Nam đang gặp khó khăn nhưng lửa nghề của các nghệ sĩ diễn viên dành cho sàn diễn vẫn chưa khi nào giảm sút. Theo anh báo chí và truyền thông cần có sự đồng hành như thế nào để chia sẻ cùng họ?

- Đời sống lý luận phê bình sân khấu nhiều năm qua thiếu hụt thế hệ kế thừa, đây là nỗi lo không chỉ của riêng tôi. Việc tạo dựng trang web để đất đăng tải những bài lý luận chuyên sâu đang là kế hoạch ưu tiên của Ban LLPB Hội Sân khấu và CLB phóng viên Sân khấu TP.HCM. Hiện nay buông bỏ lãnh địa này sẽ làm thấp dầnthị hiếu khán giả. Vì thiếu thống nhất trong cách vận hành nên các khâu đều kém chuẩn. Các nghệ sĩ hiện nay vẫn không kém bầu nhiệt huyết dành cho nghề, nhưng vì chỉ hướng đến thị hiếu số đông mà quên trách nhiệm định hướng thẩm mỹ công chúng. Chưa nói đến một số sáng tác vẫn còn rời xa thực tế, cải lương tuồng cổ chỉ bám vào các tích tuồng Trung Quốc, dựa theo phim kiếm hiệp của nước ngoài mà sử Việt của ta không phải không có kịch bản đủ sức thuyết phục. Chúng tôi chuẩn bị thực hiện cuộc hội thảo về vấn đề này, từ đó đúc kết những kết luận chuẩn mực cho việc định hướng nội lực nghệ sĩ tham gia sân khấu cải lương tuồng cổ.

Là một nhà báo đã định hình phong cách, có sở trường cũng như trình độ chuyên môn vững vàng, vậy anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn theo nghề báo?

- Ở cơ quan của tôi có nhiều bạn sinh viên về thực tập. Họ cũng thích viết về sân khấu. Điều này làm tôi hạnh phúc. Muốn theo nghề này chỉ cần tâm huyết, yêu nghề và trên hết là luôn đặt cái tâm thật tốt vào mỗi bài viết, để qua những góp ý, nhận định, bài báo kết nối giữa sàn diễn và nghệ sĩ một cách hiệu quả nhất. Nghề báo viết về sân khấu cần trái tim biết rung cảm và cái đầu tỉnh táo.

Xin cảm ơn anh!

No comments